'Bệnh kép' tim mạch và phụ khoa

01/04/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Mang Thai & Sinh Con Sản Phụ Khoa Sức Khỏe
'Bệnh kép' tim mạch và phụ khoa

4 năm trước chị Hảo được bác sĩ chỉ định uống thuốc kháng đông, song đã tự ý bỏ điều trị tim mạch do rong kinh nặng hơn sau ba tháng dùng thuốc. Gần đây, chu kỳ kinh dài 10-15 ngày, chị xanh xao, khó thở, chóng mặt, bác sĩ Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 ghi nhận nhiều u xơ tử cung, tăng áp động mạch phổi (áp lực động mạch phổi trung bình lớn hơn hoặc bằng 25 mm Hg). Kết quả chụp CT mạch vành cho thấy chị Hảo có nhiều huyết khối ở phổi.

Trường hợp khác, chị Linh, bị thống kinh (tử cung co bóp mạnh đẩy máu ra ngoài gây đau) nhiều năm, gần đây kinh nguyệt kéo dài 14 ngày, thuyên tắc phổi, suy tim phải, huyết khối thất phải.

ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hai bệnh nhân trên cùng mắc bệnh phụ khoa và tim mạch. Đây là hai nhóm bệnh phổ biến, có ảnh hưởng lẫn nhau. "Các bệnh phụ khoa có thể tăng nguy cơ mắc kèm bệnh tim mạch, đột quỵ; còn bệnh tim mạch có thể hạn chế hiệu quả điều trị bệnh phụ khoa", bác sĩ Tâm giải thích.

Lý giải mối liên quan giữa hai nhóm bệnh, BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, cho biết thêm người mắc hội chứng buồng trứng đa nang, thai kỳ bất lợi (tăng huyết áp khi mang thai, đái tháo đường thai kỳ, sinh non), nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai. Bệnh phụ khoa, viêm nhiễm, đặc biệt là lạc nội mạc tử cung, có thể gây viêm toàn thân, xơ vữa động mạch. Người sử dụng hormone nữ điều trị bệnh hoặc tránh thai cũng có nguy cơ cao huyết áp, rối loạn đông máu... "Bệnh tật kép" ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, tài chính và tuổi thọ phụ nữ.

Với chị Hảo, các bác sĩ nhận định nếu mổ cắt tử cung sẽ điều trị dứt điểm bệnh, tuy nhiên do chưa ổn định bệnh tim mạch, áp lực động mạch phổi tăng (áp lực đo có lúc ghi nhận hơn 80 mmHg) nên nguy cơ tử vong cao, chị bị tạm hoãn mổ phụ khoa. Dự tính khoảng 2-3 tháng sau khi bệnh tim mạch ổn định, tình trạng tăng áp phổi cải thiện với điều trị các bác sĩ tìm phương án điều trị phù hợp.

Với chị Linh, êkíp bác sĩ sản khoa quyết định tháo vòng nội tiết, theo dõi bệnh tim mạch ổn định mới có hướng xử trí tiếp theo.

Hệ thống monitor theo 7 chỉ số sinh tồn trong ca mổ bóc u xơ cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Thanh Luận

Trường hợp trì hoãn mổ, bác sĩ phải theo dõi sát, điều trị kịp thời bệnh phụ khoa lẫn tim mạch bệnh nhân. Các bác sĩ khuyến cáo khám phụ khoa định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh.

Tuệ Diễm

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật